Thiết kế nhà hàng Nhật bản Kimono
LTS: Tôi thích cách người thiết kế chuyển tải tinh thần Nhật bản vào trong đồ án này, thường thì thiết kế nhà hàng Nhật rất dễ bị chìm đắm vào những motif: đèn đá, chữ thư pháp, sỏi đen, sỏi trắng…nhưng cái tinh thần “thủ công”, “thô mộc” và coi trọng chi tiết đã làm nên một thiết kế cá tính và độc đáo. Thiết kế nội thất đòi hỏi một sự tỉ mẩn và nhạy cảm về chi tiết cần thiết, đồ án này đã thành công khi Kiến trúc sư đã biết “nấu nướng” với chất liệu và khối tích để tạo nên một không khí Nhật vừa lạ lại vừa quen.
Ý tưởng :
Nhà hàng KIMONO là nhà hàng Nhật Bản, tọa lạc trên đường Lý Thường Kiệt, Hà Nội, Việt Nam. Nhiệm vụ thiết kế là cải tạo mở rộng nhà hàng thêm tầng 5 và tầng 6 với công năng là các phòng riêng biệt, trong khi đó giữ nguyên hiện trạng từ tầng 1 đến tầng 4 đã hoạt động được nhiều năm .Khu bếp cho toàn nhà hàng có vị trí ở tầng 4.
ừ đặc điểm mặt bằng hiện trạng không vuông vắn và có nhiều góc cạnh, chúng tôi thiết kế chia các phòng bởi các đường cong. Nhờ các đường cong này ,không gian các phòng và khu hành lang giao thông trở thành các không gian cong mềm mại . Nơi các đường cong giao nhau tạo thành các tam giác cong mà chúng tôi sẽ gọi là các Cột Sáng, bằng cách thiết kế anh sáng giống như những chiếc đèn lớn ,những Cột Sáng này sẽ vừa có tác dụng ngăn cách các phòng , vừa có tác dụng chiếu sáng cho các phòng và hành lang đi lại.
Không gian ở sảnh đón tiếp phía mặt tiền, chúng tôi tạo ra một không gian mở, tận dụng tối đa cảnh quan của hàng cây xanh và mái chùa Quán Sứ nằm đối diện với công trình vào không gian bên trong.
Lấy gợi ý từ vật liệu và cách đan tạo thành những chiếc đèn mây tre đan truyền thống ở Việt Nam, chúng tôi sử dụng các thanh tre vót đan lại với nhau tạo lên vật liệu chủ đạo trong công trình .Ở công trình này, chúng tôi thử nghiệm việc vận dụng tối đa các kĩ năng sẵn có của các thợ thủ công chuyên làm đèn và các vật dụng thủ công mỹ nghệ vào trong trong một tình huống mới làm các thành phần tạo lên kiến trúc như cửa, vách ngăn, trần, …Tại các vị trí cột sáng, các vật liệu này được đan thành các tấm vách cong, ghép lại, bên trong là các đèn vừa theo từng cột tam giác cong sao cho ánh sáng tỏa đều . Vật liệu này cũng được chúng tôi sử dụng cho các hệ cửa trượt cong, tay vịn cầu thang và trần tầng 6 . Kích thước và tỉ lệ đan các thanh tre này được nghiên cứu sao cho vừa đảm bảo là chức năng ngăn cách nhưng nhẹ nhàng, không tạo cảm giác là những bưc tường hoặc vách đặc kín cứng nhắc.
Để thi công các chi tiết này, chúng tôi đã làm việc rất kĩ với nhóm nghệ nhân chuyên làm đèn ở làng nghề truyền thống ngoại ô Hà Nội, cùng họ tìm ra lối đan , tỉ lệ đan và phương pháp thi công hiệu quả và khả thi nhất .Cùng với vật liệu gỗ và tường nhám và đá , hoàn thiện bên trong và ngoài công trình ,các vật liệu này cộng hưởng với nhau thông qua việc sử dụng các thiết kế đơn giản và tinh tế tạo ra không gian có chất vật liệu đặc trưng, hiện đại nhưng ấm cúng trong nhà hàng.